Trước khi diễn ra lễ tri ân, đoàn đã tổ chức dâng hương tại chùa Ngọa Vân Trung, tham quan và chiêm bái Am Ngọa Vân – nơi Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành những ngày cuối đời và hóa Phật vào năm 1308. Đoàn cũng đến tháp Phật Hoàng, nơi tôn trí xá lợi của Ngài, và lên đỉnh Bàn Cờ, một địa điểm linh thiêng gắn liền với công hạnh của vị Hoàng đế vĩ đại.
Các đại biểu tại lễ tri ân. (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Tại Trung tâm Du lịch Ngọa Vân, buổi lễ được tổ chức trang nghiêm với nghi thức tưởng niệm và lắng nghe công hạnh của Đức vua Trần Nhân Tông – vị vua nổi tiếng đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh, đồng thời sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, nhấn mạnh: “Về với thánh địa Ngọa Vân, nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, là trở về với vùng đất linh thiêng, xoa dịu nỗi đau thương và khơi dậy khát vọng sống cao đẹp. Công hạnh của Ngài, với tinh thần độc lập dân tộc và hòa bình, vẫn còn nguyên giá trị sau hơn 700 năm.”
TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại buổi lễ tri ân. (Báo Văn Hóa)
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu Công an nhân dân Việt Nam, khẳng định lễ tri ân là một hoạt động thiết thực chào mừng 80 năm thành lập ngành Công an nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Sự kiện tại thánh địa Phật giáo Trúc Lâm không chỉ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông mà còn tri ân các Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân, đặc biệt là các nữ liệt sĩ như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Lợi, Bùi Thị Cúc – những tấm gương sáng ngời trong lịch sử đấu tranh vì độc lập và hòa bình của dân tộc.”
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương phát biểu tại lễ tri ân. (Báo Văn Hóa)
Theo Đại tá Phạm Mai Dựng, Phó Trưởng ban liên lạc nữ Công an hưu trí, Bộ Công an, từ khi thành lập đến nay, lực lượng Công an nhân dân đã có 321 cán bộ nữ anh dũng hy sinh, 35 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Những cái tên như Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm và sự hy sinh vì Tổ quốc. “Lễ tri ân là dịp để thể hiện đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn’, khắc ghi công lao của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ Công an nhân dân hôm nay,” Đại tá Phạm Mai Dựng chia sẻ.
(Báo Văn Hóa)
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn cũng dành thời gian thăm và tìm hiểu về đền thờ nữ tướng Lê Chân, một nhân vật lịch sử tiêu biểu, qua đó tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng của lực lượng Công an nhân dân.
Lễ tri ân không chỉ là dịp để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc mà còn là cơ hội để thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng một đất nước hòa bình, thịnh vượng.
Tác giả: Hồng Nhung
Nguồn tin: Báo Văn Hóa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn