Cuốn sách do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo thực hiện, được Nhà xuất bản Thông tấn biên soạn và phát hành. Với hơn 1.000 bức ảnh và tư liệu quý hiếm, tác phẩm là kết quả của quá trình khai thác, chọn lọc kỹ lưỡng từ nhiều nguồn trong và ngoài nước. Các nguồn tư liệu bao gồm Ban Biên tập Ảnh và Trung tâm Thông tin Tư liệu - Đồ họa (Thông tấn xã Việt Nam), Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng sự đóng góp từ nhiều cơ quan và cá nhân khác.
Sách ảnh song ngữ "!00 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam." (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Mỗi bức ảnh trong cuốn sách được trình bày kèm thông tin chi tiết, tái hiện sinh động các giai đoạn hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình. Nội dung được chia thành sáu phần, tương ứng với các mốc lịch sử quan trọng:
Giai đoạn 1925 - 1945: Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với vai trò tuyên truyền, giác ngộ, cổ động, tập hợp và tổ chức lực lượng đấu tranh giành độc lập, tự do.
Giai đoạn 1945 - 1954: Báo chí phục vụ nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Giai đoạn 1954 - 1975: Báo chí cách mạng hỗ trợ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời chi viện cho miền Nam, hướng tới thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1975 - 1986: Báo chí tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh hậu chiến.
Giai đoạn 1986 - 2000: Báo chí phục vụ sự nghiệp đổi mới toàn diện, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước.
Giai đoạn 2001 - 2025: Báo chí đồng hành cùng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.
Nhà báo Phùng Thị Mỹ, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tấn, chia sẻ rằng quá trình chuẩn bị cho cuốn sách kéo dài hơn một năm. Để hoàn thành tác phẩm, Nhà xuất bản Thông tấn đã huy động đội ngũ biên tập viên trong cơ quan, cùng sự tham gia của các nhà nghiên cứu, phóng viên ảnh, nhà báo lão thành và các nhà sưu tầm trên cả nước.
Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn Phùng Thị Mỹ phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
“Cuốn sách không chỉ là một công trình tư liệu mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, và các thế hệ nhà báo, đặc biệt là những liệt sỹ đã hy sinh để nền báo chí cách mạng phát triển rực rỡ như ngày hôm nay. Đây cũng là nguồn cảm hứng, niềm tự hào, động lực để các nhà báo trẻ tiếp tục vững bước trên con đường đồng hành cùng dân tộc,” bà Phùng Thị Mỹ nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá cao giá trị lịch sử và tư liệu của cuốn sách. Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ niệm 100 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam, cuốn sách mang ý nghĩa lớn lao khi được biên soạn song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Ông Lê Quốc Minh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
“Qua từng trang sách, độc giả có thể thấy được chặng đường 100 năm phát triển đầy tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Với hình thức song ngữ, cuốn sách không chỉ giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn về lịch sử báo chí nước nhà mà còn giới thiệu đến bạn bè quốc tế một cách sống động về hành trình này,” ông Minh nhận xét. Ông cũng đề xuất sử dụng cuốn sách làm tài liệu tham khảo tại Hội Báo Toàn quốc và Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia sắp tới. Đáng chú ý, Báo Nhân dân đã đặt mua 200 cuốn để làm tư liệu tham khảo cho các hoạt động của mình.
Sự kiện ra mắt có sự tham dự của nhiều chuyên gia và nhà sưu tầm đã góp phần làm nên cuốn sách, trong đó nổi bật là ông Nguyễn Phi Dũng, người sở hữu bộ sưu tập khoảng 23 tấn tư liệu báo chí. Một trong những đóng góp đáng chú ý của ông là trang báo “Cờ giải phóng” - cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số ra ngày 10/10/1942. Ông Dũng cho biết đã chi 48 triệu đồng để mua lại tờ báo này từ một cá nhân ở Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Phi Dũng - một trong các nhà sưu tầm đã góp sức làm sách ảnh "100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025)." (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Do điều kiện hoạt động cách mạng thời bấy giờ vô cùng khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất (in thạch bản, viết tay), số lượng báo in ra rất hạn chế và hiếm có đơn vị nào còn lưu trữ được. “Tôi quyết tâm sưu tầm tờ báo này không chỉ vì giá trị lịch sử mà còn bởi những trang báo cách mạng Việt Nam trước năm 1954 rất được săn đón cả trong và ngoài nước. Tôi muốn những tờ báo giấy này được lưu giữ để thế hệ mai sau hiểu được cha ông ta đã sống, chiến đấu và bảo vệ đất nước như thế nào,” ông Dũng chia sẻ.
Cuốn sách “100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025)” không chỉ là một công trình tư liệu mà còn là một di sản văn hóa, lịch sử, góp phần khẳng định vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước. Với hình ảnh sống động và nội dung được biên soạn công phu, tác phẩm là nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau, đồng thời là cầu nối đưa lịch sử báo chí Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Sự kiện ra mắt cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà báo, nhà nghiên cứu, và những người yêu mến báo chí Việt Nam. Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Vũ Việt Trang, đã đại diện trao tặng sách cho các đại biểu và khách mời, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tôn vinh và gìn giữ lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - nhà báo Vũ Việt Trang tặng sách cho các đại biểu và khách mời. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Với giá trị lịch sử, văn hóa và tư liệu đặc biệt, cuốn sách hứa hẹn sẽ trở thành một tài liệu tham khảo quan trọng, không chỉ trong các sự kiện báo chí mà còn trong công tác nghiên cứu, giáo dục về lịch sử và truyền thống cách mạng của dân tộc.
Theo: Vietnamplus
Tác giả: Duy Bằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn